Triết học và Thơ, hai cánh cuộc đời  

Đăng lúc: 09-08-2018 8:49 Sáng - Đã xem: 135 lượt xem In bài viết

Một ngày giữa tháng Bảy, tôi may mắn được gặp ông, người con Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), cựu TNXP, Tiến sỹ Hồ Bá Thâm, nguyên Vụ trưởng, Giám đốc chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia tại Cần Thơ – Vùng Đồng bằng sông Cửa Long. Ông giản dị trong bộ quân phục đã cũ, mái tóc muối tiêu, cởi mở, chân tình khi nói chuyện đời, chuyện thơ…

 Từ xông pha lửa đạn đến tấm gương nghiên cứu khoa học

Sinh ra trong một gia đình cách mạng ở Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Hồ Bá Thâm học giỏi có tiếng khắp làng, khắp huyện. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành gác lại sự nghiệp học hành. Năm 1965, khi đó, chàng thanh niên, đảng viên trẻ Hồ Bá Thâm – đang là Thư ký đội sản xuất HTX nông nghiệp, Uỷ viên BCH Đoàn xã, giáo viên bổ túc văn hóa, đội viên quân báo xã, thông tin viên xã Quỳnh Bảng – đã từ giã ruộng đồng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc gia nhập lực lượng TNXP. Ông được biên chế vào đại đội 302, là Tiểu đội trưởng, tham gia làm đường giao thông ở dốc Lụi, dốc Bò Lăn ở Nghĩa Đàn. Đến tháng 7/1965 thì có lệnh chọn một số đội viên khỏe, có trình độ ra tiền phương gia nhập Đoàn 559. Thế rồi ông chia tay đồng đội, hăm hở lên đường. Ông được biên chế vào Đại đội 168 anh hùng với chức danh tiểu đội trưởng, huấn luyện ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên 1 tháng, sau đó hành quân vào miền Đông Quảng Bình, qua làng Ho, vào đèo 1001 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, quân trang, quân dụng vào tuyến sau.

Lần đầu xa nhà, ở nơi rừng thiêng, nước độc, ăn cơm rau tàu bay, ngủ lán, đối mặt với đạn bom, chàng thanh niên thư sinh ấy nhiều phen chết hụt. Có lần trên đường thồ gạo về, xe đạp thồ bị trục trặc, ông ngồi lên khung xe lót bao tải, thả chạy xuống dốc. Vì chưa chạy xe bao giờ, luýnh quýnh, ông ngã xuống ta tuy âm, rơi xuống vực sâu hun hút. May mắn xe và người rơi đúng gốc cây cổ thụ nên thoát chết!

Giữa tháng 12/1965, đơn vị ông chuyển về miền Tây Quảng Bình, mở đường 20 Quyết Thắng. Thời kỳ này ông trải qua nhiều chức vụ, địa bàn và đơn vị công tác. Ông là Trung đội phó, rồi Trung đội trưởng đội xung kích cứu nguy ở trọng điểm ác liệt bậc nhất lúc đó: Aky. Sau đó lên làm trợ lý quân nhu Tiểu đoàn 3 và 23 (Đội 3, rồi đội 23 TNXP), rồi được điều về làm Đại đội phó đại đội 1 TNXP Hà Tĩnh đóng ở trọng điểm Cà Roòng, kiêm Trạm trưởng Barie Km 49. Sau đó là Chính trị viên phó, Chính trị viên trưởng đại đội. Ở cương vị nào ông cũng gương mẫu, tiên phong đi đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông được cấp trên cấp bằng khen và Huy hiệu Dũng sĩ Nguyễn Văn Bé. Đơn vị ông được thưởng nhiều huân chương chiến công.

Tháng 12/1968 ông được cử đi học lớp phóng viên TTXVN ở Hà Nội. Nhưng những năm tháng ở chốn rừng thiêng nước độc, ông bị nhiễm sốt rét rừng nên đành nghỉ học cả tháng trời để điều trị. Sau khi khỏi bệnh, ông được tuyển vào học lớp đại học chính trị ngành tuyên truyền, Trường Tuyến huấn TW 1 Hà Nộ, niên khóa 1969 -1973 (lớp này đa số là cựu TNXP).

Với thành tích xuất sắc trong học tập, ông được tốt nghiệp đặc cách, đi làm nghiên cứu sinh triết học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện chính trị Hồ Chí Minh – Học viện trung tâm). Sau đó, quay về làm giảng viên khoa Triết, Tổ trưởng bộ môn Duy vật lịch sử tại trường cũ. Sau này, vì hoàn cảnh gia đình, ông chuyển vào miền Nam công tác.

 Đam mê làm khoa học, nghiên cứu triết học xuyên suốt từ năm 1973 đến nay, hiện ông đã xuất bản gần 50 đầu sách lý luận, triết học, chính trị xã hội, văn hóa, tâm lý, nhân lực (có một nửa là sách chủ biên đồng tác giả). Ông được tôn vinh là “Trí thức Việt Nam tâm tài”.

 

Khi nỗi nhớ hóa thành thơ

“Là một nhà nghiên cứu khoa học nhưng lại có niềm đam mê với thơ. Có sự mâu thuẫn nào không ạ?”, ông cười: “Nghe cứ trái ngang thế nào ấy nhỉ? Nhưng Goethe đã nói “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Chính những năm tháng trên tuyến lửa Trường Sơn, một thời hoa lửa đầy khát khao, cống hiến, nơi lưu giữ tuổi xuân ấy luôn khiến ông thổn thức, trăn trở. Và những nỗi niềm, sự nhớ nhung ấy khi đã tràn đầy, đã căng trong tim, không thể chất chứa thêm được nữa buộc ông phải trải lòng qua câu chữ, lúc đó, nỗi nhớ hóa thành thơ….

Chính vì thế mà cảm xúc về Trường Sơn luôn là âm hưởng chủ đạo xuyên suốt trong thơ ông. Trong 12 tập thơ, trường ca đã xuất bản, phần đa là những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng ở Trường Sơn, là những trăn trở, nhớ thương da diết đồng đội với đau xót mất còn. Ông tâm sự: Trong cuộc đời ông, dù đi đâu làm gì thì hình ảnh, những năm tháng lăn lộn trên tuyến lửa Trường Sơn mãi mãi không phai mờ, luôn khiến trái tim ông thổn thức và cả những điều khiến ông day dứt khôn nguôi.

Giữa đời thường vun trồng hạnh phúc

Đồng đội về ôm nhau khóc rưng rưng

Nhớ bao người gửi lại thịt xương dọc những cánh rừng

Những cô gái, chàng trai tạc tượng đài chiến sỹ”

 (Trích bài “Đóa xuân hồng)

Hay đó là những nồi niềm rưng rưng khi nhớ lại một thời mưa bom, bão đạn, với những cơn sốt rét rừng hành hạ và những cú chết hụt… trên tuyến lửa Trường Sơn mà ông và đồng đội đã trải qua:

“Bom ư, em lăn xuống suối

Đạn bắn ư, em tránh vào hầm

Anh ngã xuống đã có em rồi đấy

Pháo sáng ư? Xe anh vẫn chạy

Có em rồi giữa chặng đường xa

Sốt rét có vàng da

Tóc xanh có rụng

Vẫn nụ cười tươi cha mẹ cho năm tháng

Tuổi đôi mươi cháy sáng con đường”

(Trích “Con đường huyền thoại”)

Nỗi nhớ Trường Sơn ám ảnh cả trong giấc mơ của ông: “Nắng vàng vàng óng cánh đồng. Trên đường ra trận nắng hồng chân mây/Tối mơ ghé về quê nắng đầy/ Lúa ngập đồng này vàng óng đồng kia/ Ơi anh bộ đội về quê/ Xuống đây gặt lúa cùng về anh ơi /Em! Anh! Lời nhận ra lời/ Xôn xao tiếng gọi tiếng cười hòa theo/ Tỉnh mơ… trăng xuống ngang đèo/ Trăng vàng tưởng ánh nắng theo đi cùng/ Suối reo lay động cánh rừng/ Nghe như tiếng gọi reo mừng trong mơ”, bài thơ được báo Nghệ An đăng tải, nhà báo Lâm Sung phụ trách mục văn nghệ báo Nghệ An viết thư động viên rằng: “Thơ rất có tình, hay, nên tích tiểu thành đại sau này in thành tập”. Hay khi về quê, nhìn dãy phi lao ngoài biển, ông lại nhớ chiến trường: “Bỗng nhớ đêm chiến trường/ Những ngọn cây trần chọc lên trời như ngọn súng/ Thề với trời cao/ Sắc cầu vòng chiến thắng/ Cho ta nghe tròn tiếng hát đêm nay. Tiếng hát xanh bay lên từ ngọn cây”…

          Bên cạnh đó là những tập thơ về tình cảm quê hương, đất nước. Trong đó, có những tập thơ mang âm hưởng về triết lý nhân sinh. Đáng chú ý nhất là bài thơ “Nghiêng” (Trong tập Thơ tình triết học) gồm 288 câu thơ, sử dụng 296 động từ “nghiêng” với những hàm ý rất riêng, đó là sự trăn trở, đau đáu với thế thái nhân tình với chiều sâu tư tưởng, vừa tinh tế vừa khái quát của triết học: “Trời một lần nghiêng cốc/ Rót nghiêng sữa tình người/ Như mẹ nghiêng bầu vú/ Nuôi tôi nghiêng cả đời”. Từ nghiêng cũng là tiếng lòng trăn trở, hoài vọng, có khi là tiếng nấc nghẹn ngào của cảm thương dân tình đang trong cơn bĩ cực của nhân tai, thiên tai: “Lũ về cuốn nghiêng đồi/ Ào ào nghiêng nhà cửa/ Nước lật nghiêng bao đời/ Nỗi đau nghiêng lòng tôi”. Hay đó là nỗi buồn thế thái nhân tình: “Dông bão nghiêng cuộc đời/ Đồng tiền nghiêng công lý”. Một số bài, một số câu đậm chất triết trong thơ, trong thơ có triết! Và nhiều người gọi ông là nhà thơ triết học. Bởi như ông tự ngẫm “Triết học và Thơ hai cánh cuộc đời…”

Đặc biệt, ông được tặng Bằng Kỷ lục gia Việt Nam: Người sáng tác bai thơ có nhiều từ “Nghiêng” nhất.

 Thanh Phúc (PV Báo Nghệ An)

 Nguồn: Báo Nghệ An ngày 29/7/2018