Trọn đời đam mê nghiên cứu triết học

Đăng lúc: 11-07-2018 9:15 Sáng - Đã xem: 46 lượt xem In bài viết

Luôn sống và làm việc hết mình cùng với sự trách nhiệm và niềm đam mê, hơn 40 năm qua không ngày nào ông dừng được sự nhiệt huyết của bản thân với các vấn đề của xã hội, đất nước. Mỗi một công trình khoa học được nghiên cứu thành công là một dấu ấn để lại cho đời thể hiện lối đi đúng đắn và giúp mọi người có được sự nhìn nhận, đánh giá đúng về các vấn đề liên quan đến: tư duy, nhận thức; con người, nhân cách; văn hóa – xã hội; dân chủ và đổi mới hệ thống chính trị; phát triển nguồn nhân lực, nhân tài… Đó là câu chuyện của TS, NCVCC Hồ Bá Thâm, một nhà khoa học triết học luôn vững vàng, sắc sảo, nhạy bén trong phê phán, đấu tranh tư tưởng và phát triển lý luận.

Say mê học tập từ nhỏ… rồi có duyên với triết học và khoa học

NCVCC Hồ Bá Thâm sinh năm 1947 tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nghèo làm thợ thủ công và làm nông nghiệp. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang gồng mình đấu tranh chống với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này là chống Mỹ, cứu nước, chuyện “cơm không đủ no, áo không đủ mặc”. Cuộc sống khó khăn, một buổi đi học một buổi còn lại ông đi chăn bò cắt cỏ để giúp đỡ gia đình.

Ngay từ nhỏ Hồ Bá Thâm vốn là cậu bé thông minh, nhanh nhẹn, say mê học hành luôn là học sinh giỏi các cấp học và từng đi thi học sinh giỏi toán – văn – lý- hóa ở huyện. Thế nhưng, học xong lớp 7/10 gia đình không có khả năng để lo cho ông tiếp tục được đến trường, ông ngậm ngùi bỏ dở ước mơ của bản thân trở về địa phương. Sau gần một năm tích cực tham gia vào công tác Đoàn xã, làm thư ký đội sản xuất, từ đối tượng Đảng khi còn ở nhà trường ông được xét và kết nạp vào Đảng lao động Việt Nam (nay là Đảng CSVN). Vào thời điểm đó, giặc Mỹ đánh đánh phá miền Bắc, với tấm lòng yêu nước của tuổi trẻ ông xung phong lên đường tham gia lực lượng TNXP (5/1965) và được điều ra tiền phương – nơi tuyến lửa Trường Sơn, nơi vô cùng ác liệt. Nhắc đến đây ông lại nhớ về những lần ông suýt chết vì bom đạn chỉ trong tích tắc, rồi hai lần rơi trên đỉnh Trường Sơn nhưng may mắn được thoát chết. Ông luôn nhớ về những đồng độị cùng thời đã hy sinh trong đạn lửa để dân tộc ta có được hòa bình, độc lập trong ngày hôm nay.

Cuối năm 1968 đầu năm 1969, theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo TW, ông được Binh trạm 14 cho ra quân và cử đi học Phóng viên TTXVN và sau đó trở thành sinh viên của Trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí -Tuyên truyền). Qua hơn 4 năm học đã tạo cho ông nền tảng tri thức và phương pháp luận triết học và khoa học chính trị, xã hội cơ bản tuy là bước đầu nhưng khá vững chắc. Cũng chính từ đó một tương lai tươi đẹp đã mở ra với ông, giúp ông tiếp tục được đồng hành cùng những con chữ, cái nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của mình. Trong những năm học tập tại đây, ông luôn cố gắng học hỏi, chăm chỉ không ngừng nỗ lực vươn lên và môn triết học là môn học được ông yêu thích, lúc nào cũng đạt được điểm cao (tốt nghiệp 9,5 /10 điểm). Với kết quả học tập xuất sắc, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Trường Tuyên huấn TW (Tuyên giáo TW). Ông được tốt nghiệp đặc cách cho đi học lớp NCS tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12 /1975 ông tốt nghiệp (nhưng trong nước lúc này chưa có điều kiện bảo vệ luận án PTS) và về làm cán bộ giảng dạy của Khoa học Triết Tuyên giáo TW (có khi gọi là Trường Tuyên huấn TW). Từ đây cũng là lúc ông mang niềm tri thức gieo mầm cho các thế hệ sau và bắt đầu vào con đường nghiên cứu khoa học.

TS Hồ Bá Thâm trong buổi Lễ vinh danh tri thức Việt Nam

Ông đọc nhiều, luôn nghiền ngẫm từng vấn đề, viết ra chính kiến của mình và bắt đầu tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài trường, nhất là với Viện Triết học thuộc Trung tâm khoa học xã hội VN. Năm 1979, một bài viết cho hội thảo khoa học tại Viện Triết học được biên tập và được đăng trên Tạp chí Triết học của Viện Triết học, thật là một niềm vui khôn tả! Viên gạch đầu tiên này tạo cho ông niềm tin dấn thân vào con đường triết học và nghiên cứu khoa học. Thời kỳ này ông không chỉ giảng dạy triết học cho các chương trình cơ bản mà cả chương trình chuyên ban triết (đại học triết học) và chuyên tu triết (cao học).

Luôn luôn trăn trở và không ngừng nghiên cứu, viết bài      

Hồ Bá Thâm sớm có tư duy nghiên cứu khoa học, ông thực sự say mê đọc sách và nghiên cứu, tranh luận, lật đi lật lại vấn đề, tư duy này ngay khi còn học NCS đã thể hiện rõ trong thảo luận và tranh luận. Ông luôn trăn trở, tìm cách tiếp cận đa chiều hơn, tìm ý tưởng mới, phát hiện và mạnh dạn đề xuất vấn đề mới. Ông quan niệm sáng tác, sáng tạo là phải có phản biện, trước hết tự mình phản biện, luôn luôn hỏi tại sao thế và tìm câu trả lời. Ông không câu nệ sách vở, kinh điển dù đọc rất kỹ, và luôn coi trọng cập nhật thông tin mới, nhất là từ thời đổi mới tư duy. Ông tâm sự, viết xuôi chiều thì có khi dễ đăng hơn còn viết có góc cạnh thì khó đăng hơn, nhưng ông vẫn kiên trì phong cách ấy, dù khó chơi hơn! Và ông nghĩ chỉ có tập trung cao độ tìm hiểu, suy nghĩ về một vấn đề nào đó trong một thời gian nhất định mới có thể sáng tỏ mà thôi, dù lúc đầu còn lờ mờ. Lĩnh vực nghiên cứu của ông khá rộng, với tư duy triết học ông đã nghiên cứu và viết về nhiều lĩnh vực khác nhau như: chính trị, văn hóa, xã hội, tư duy, tâm lý, môi trường sinh thái… tất cả ông đều chọn góc nhìn triết học để làm sáng tỏ những vấn đề này.

Được phân phân công giảng dạy chuyên đề cho các lớp cử nhân hay chuyên tu sau đại học (hồi ở Trường Tuyên giáo TW, Hà Nội), TS. Hồ Bá Thâm nghiên cứu sâu vấn đề nhà nước, cách mạng xã hội, vai trò cá nhân, bản chất con người, phép biện chứng. Về sau ông, khi vào Trường Đảng Kiên Giang công tác, ông mở rộng sang lĩnh vực tư duy, nhận thức, sinh thái học và môi trường.

     Từ năm 1983 đến năm 2000, dù ở cương vị nào, Trưởng khoa Triết học- Quản lý nhà nước hay khi là chuyên viên chính Văn phòng Tỉnh ủy, Phó giám dốc Sở Khoa học công nghệ và Môi trường Kiên Giang (nhất là sau khóa bồi dưỡng kiến thức về quản lý môi trường của Cộng hòa Liên Bang Đức), hay khi là Giám đốc (hàm Vụ trưởng) chi nhánh NXB Chính trị quốc gia tại Cần Thơ, ông vẫn không rời lĩnh vực nghiên cứu mà ông đã tâm huyết theo đuổi. Ông tìm đọc nhiều tài liệu, cố gắng cập nhật thông tin, phương pháp mới từ các ngành khoa học hiện đại và thực tiễn để mở rộng tầm nhìn. Ngày nào cũng đọc, tiếp cận thêm tri thức, suy nghĩ, trăn trở cùng với các vấn đề. Các bài viết của ông hàng năm liên tục được đăng tải trên 7- 8 tạp chí chuyên ngành với bình quân 6-7 bài/ năm, có lúc 9-10 bài nghiên cứu/ năm.

Những năm công tác tại Kiên Giang, ông đã có ý tưởng về chuyên ngành khoa học triết học mới như chủ nghĩa duy vật nhân văn và phân ngành triết học phát triển. Ông có bài viết đề xuất về chủ nghĩa duy vật nhân văn và đã tham gia Hội thảo “Triết học và thời đại ngày nay” của Trường Đảng cao cấp NAQ năm 1992 và sau đó đảng trên Tạp chí Sinh hoạt lý luận của Trường Nguyễn Áí Quốc III, khu vực Đà Nẵng. Rồi tham gia hội thảo quốc tế về chủ đề Văn hóa và con người VN trong thời kỳ CNH, HĐH những thập niên đầu thế kỷ XXI; hoặc hội thảo về phát triển, quản lý đô thị; hội thảo Việt Nam học; một số hội thảo về triết học... Từ đó, nhiều tạp chí, đặc biệt là Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam[i] đã đăng nhiều bài viết về vấn đề con người, về chủ nghĩa duy vật nhân văn và triết học phát triển của ông.

Không ngừng nghiên cứu khoa học với các bài báo phong phú được đăng tải, năm 1994 ông chính thức bảo vệ thành công học vị Phó tiến sỹ khoa học Triết học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện CTQG. HCM) với đề tài “Nâng cao năng lực tư duy cán bộ chủ chốt cấp xã” (từ thực tế tỉnh Kiên Giang) và được NXB. CTQG –ST xuất bản thành sách năm 1995. Công trình này được đánh giá là đã mở ra một cách tiếp cận triết học về năng lực tư duy từ thực tế của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Về những bài viết chủ nghĩa duy vật nhân văn, về triết học phát triển được tiếp tục được đăng tải và sau này xuất bản thành sách.

TS Hồ Bá Thâm trong Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia

Thời kỳ tập trung cho nghiên cứu khoa học và những công trình dề tài được xuất bản

  Đầu năm 2001, TS Hồ Bá Thâm chuyển công tác về Trung tâm khoa học Xã hội – Nhân văn TPHCM, sau này là Viện nghiên cứu xã hội TPHCM (nay là Viện nghiên cứu phát triển TPHCM). Với vai trò Trưởng ban Tâm lý – Giáo dục rồi Trưởng ban Triết học và Khoa học chính trị, ông đã xông xáo nghiên cứu vừa sâu vừa rộng và gắn với tổng kết thực tiễn, ông đã rất thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và triết học ứng dụng. Gần 10 năm ở Viện nghiên cứu phát triển và 8 năm về hưu kể đến thời điểm này, ông đã làm 8 chủ nhiệm nhiều đề tài cấp cơ sở và cấp bộ ngành – tỉnh thành; tham gia hàng chục đề tài cấp bộ và cấp nhà nước; tham gia và viết tham luận khoảng gần một trăm hội thảo khoa học- thực tiễn các cấp trong đó có cấp nhà nước và quốc tế. Tiêu biểu như các đề tài khoa học đã được công bố như:

     Nghiên cứu “Tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn; Tâm lý trong quản lý đô thị; Tâm lý phát triển tài năng trẻ; Xây dựng bản lĩnh thanh niên ở TPHCM hiện nay; Tâm lý hình thành nhân cách giới trẻ ở TPHCM hiện nay; Nâng cao năng lực quản lý đô thị ở TPHCM hiện nay; Giải pháp đảm bào phát triển đồng bộ, tương xứng văn hóa với kinh tế ở TPHCM (2005- 2006); Giải pháp giải quyết mâu thuẫn xung đột lợi ích ở TPHCM hiện nay (2006-2008); Văn hóa và con người trong sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập quốc tế những năm đầu thế kỷ 21; Đảng lãnh đạo trong phát triển, quản lý xã hội; Văn hóa và con người trong hội nhập quốc tế; Cơ chê dân chủ ở VN với sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững hiện nay; Vấn đề đạo đức xã hội trong lịch sử và hiện nay… Các lĩnh vực nghiên cứu của ông không chỉ là lĩnh vực đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn mà cả lĩnh vực phát triển văn hóa, mâu thuẫn xung đột lợi ích nhóm, phát triển – quản lý đô thị, tâm lý học giáo dục, phát triển năng lực học sinh, vấn đề bạo lực học đường, tâm lý học dân vận, tâm lý học quản lý đô thị, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới hệ thống chính trị, dân chủ hóa, phát triển con người, tâm linh, phương pháp khoa học hiện đại, khoa học liên ngành…

      Các công trình khoa học của TS Hồ Bá Thâm được áp dụng và in thành sách, một là tập hợp những vấn đề tự nghiên cứu; hai là những đề tài khoa học sau khi nghiệm thu; ba là các bài tham luận của minh từ các kỷ yếu hội thảo được tập hợp, biên soạn lại (do ông chủ trì, chủ biên). Chủ đề nghiên cứu tuy rộng nhưng luôn chú ý góc nhìn sâu về triết học của vấn đề. Ông có nhiều bài nghiên cứu về lĩnh vực phương pháp luận hệ thống và đổi mới hệ thống chính trị, hoặc vấn đề phản biện xã hội, giám sát xã hội, kiểm soát quyền lực công ở nước ta…Một số công trình được trích dẫn nhiều và làm tài liệu nghiên cứu trong các luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ, đề tài khoa học, hoặc làm tài liệu để phê phán, đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay…. Ngoài ra, các chuyên đề về giáo dục nhân cách người cai nghiện ma túy được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sử dụng cho các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho giáo dục viên các trung tâm, trường, trại trong ngành ở các địa phương; Hoặc ông cũng viết sách hay chủ biên sách về họ Hồ, hay về một thời TNXP trên tuyền lửa Trường Sơn, tri ân tiền nhân, tri ân đồng đội…

        Nhưng trọng tâm, sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp nghiên cứu của TS. Hồ Bá Thâm vẫn là tính biện chứng, chu kỳ và động lực của sự phát triển con người và tính biện chứng động lực của các nhân tố cấu thành hình thái kinh tế xã hội của sự phát triển theo hướng nhân văn, bền vững. Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học TS Hồ Bá Thâm còn tham gia hướng dẫn một số luận văn thạc sỹ, đồng hướng dẫn luận án tiến sỹ, tham gia nhiều Hội đồng chấm luận án, tham gia đào tạo các khoá học trong hệ thống các trường chính trị và trường đại học trong nước. Trong công tác giảng dạy, ông đã sớm đưa phương pháp nêu vấn đề, đối thoại, phát huy tính chủ động của người học vào thực tế giảng dạy mà ông đã tổng kết trong luận án PTS của mình và tiếp tục ứng dụng sau đó đạt kết quả tốt.

      Vượt qua khó khăn, thách thức, định kiến

      Làm khoa học, nghiên cứu khoa học và nhất là triết học là quá trình leo núi và thám hiểm đầy trắc trở, khó khăn. Khó khăn không những về sức khỏe (lúc tuổi cao), về đời sống khi thu nhập chưa cao mà còn là đụng chạm vào lĩnh vực còn chưa rõ ràng, phần nào là không “có sẵn” (như bài giảng), hoặc nhạy cảm cần mày mò và có bản lĩnh sang tạo mới sáng tỏ dần. Hơn nữa nếu nói theo, “minh họa’, “phải đạo”, sao chép thì bài viết, công trình không có chất lượng mà phản biện, tranh luận, nêu chính kiến của mình, chỉ ra cái mới thì khó hơn nhiều gấp bội. Khi nghiên cứu và viết các công trình khoa học mang tính luận chiến càng khó khan, trắc trở hơn nữa. Không thể phê phản, bác bỏ lấy được mà phải có tính thuyết phúc cao. TS. Hồ Bá Thâm cho biết trong nghiên cứu khoa học và khi thông qua hội đồng, hay khi xuất bản thường gặp không ít trắc trở như khi có ý tưởng mới, nêu ra khá sớm, liên quan tới các khía cạnh được cho là “nhạy cảm” và tất cả những điều đó mình cần phải biết kiến trì chờ đợi và vượt qua. TS Hồ Bá Thâm có khá nhiều ý tưởng và đề xuất mới và sớm. Ông có khá nhiều công trình có chất lượng được đánh giá cao. Ông cho biết khi xuất bản cuốn “Chủ nghĩa Mác- Lênin phương pháp luận của sự phê phán và phát triển hiện nay”, thì đáng ra xuất bản từ năm 2007, nhưng bị 2 nhà xuất bản lớn từ chối, đến năm 2012 thì NXB Chính trị quốc gia, mới xuất bản được. Nhưng NXB biên tập xong, thông thường NXB quyết định luôn, nhưng họ đã phải nhờ ý kiến thẩm định của Hội đồng lý luận Trung ương cho chắc chắn và yên tâm. Rất mừng là Hội đồng lý luận Trung ương ngoài những góp ý cần hoàn chỉnh thêm đã đánh giá cao: Bản thảo có nhiều điểm mới, có đóng góp đáng trân trọng về phương pháp luận phê phán và phát triển lý luận. Bản thảo, dù có nhiêu điểm mới nhưng tỏ ra vững vàng về chính trị và khoa học, đây là bản thảo có chất lượng cao về cả mặt lý luận khoa học và thực tiễn. Tác giả vững vàng, sắc sảo, nhạy bén trong phê phán, đấu tranh tư tưởng và phát triển lý luận (Văn bản do GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Trường trực Hội đồng lý luận Trung ương, ký tên). Hiên tại, ông cũng còn tiếp tục hoàn thiện và xuất bản thêm sách về lĩnh vực này.

Luôn nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu cũng là học

TS Hồ Bá Tâm quan niệm muốn thành tài, thực tài, có công hiến thật sự, phải học thật sự. Vấn đề chủ yếu là tự học, nhất là khi biết mình còn nhiều hạn chế và biển tri thức thì mênh mông. Ông thật sự là tấm gương tự lực vươn lên, tự học, tự nghiên cứu, bổ túc thêm kiến thức nhiều mặt, luôn cập nhật các tri thức mới, khoa học hiện đại, tìm hiểu các diễn biến mới của thời đại. Dù bận nhiều công việc nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ vào các công trình khoa học nghiên cứu của mình. Ông có năng lực tư du nhạy bén, độc lập và sáng tạo.

TS. Hồ Bá Thâm trong Hội đồng cấp nhà nước chấm luận án tiến sĩ triết học
tại Viện kHXH vùng Nam Bộ

     Dù khi còn trẻ, sung sức hay khi đã về hưu, vào những năm cuối đời, tuổi cao, cái tuổi đã ngoài 70, nhưng hàng ngày ông vẫn không ngừng tự học, đọc sách, lên mạng Internet, tự nghiên cứu, tự đào tạo minh. Ông luôn tìm hiểu các khám phá mới về khoa học của các ngành như vật lý học lượng tử, sinh học, thần kinh học, khoa học não bộ, về vũ trụ học, trí trí tuệ nhân tạo, về tâm linh, nhân học, văn hóa học, hoặc lịch sử triết học, triết học hiện đại, hậu hiện đại…, hoặc nghiên cứu, tìm hiểu về chủ nghĩa tư bản hiện đại, về toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0… để có thể đào sâu vào lĩnh vực triết học nhân văn, triết học phát triển đương đại mà ông quan tâm phát triển. Hiện nay ông vẫn miệt mài học tập, hoạt động nghiên cứu và mong muốn tiếp tục hoàn chỉnh các bản thảo đã có để in thành sách, chia sẻ với bạn đọc, giúp cho các thế hệ tương lai có thêm được kiến thức để góp phần xây dựng vào sự phát triển ngành triết học và vận dụng trong cuộc sống. Ông rất chú ý học tập các bậc khoa học đàn anh và cả các tài năng trẻ, và ước mình giá như còn trẻ… Ông rất kỳ vọng vào lớp trẻ, các nhà khoa học trẻ tài năng đang sống trong kỷ nguyên mới có điều kiện thuận lợi về kinh tế, ngoại ngữ, công nghệ, phương thức học tập, họ sẽ sớm có nhiều công hiến cho khoa học làm rạng danh nước nhà hơn thế hệ cha ông

Nhìn lại quá trình và kết quả nghiên cứu khoa học cũng như công tác của mình, ông bồi hồi nhớ lại và trân trọng biết ơn những người đã tạo điều kiện cho mình, nhất là cha mẹ, thầy cô và đặc biệt là người vợ thân yêu, tần tảo của mình…Và lại thương về những đồng đội đã hy sinh nằm lại chiến trường xa thuở nào!

      Sau hơn 40 năm nghiên cứu khoa học, nhất là trong 16 năm gần đây, TS. Hồ Bá Thâm đã có nhiều công trình khoa học, chuyên luận, biên soạn, in, xuất bản được gần 50 đầu sách, chủ yếu là sách chuyên luận, trong tổng số đó có một nửa là sách riêng của tác giả và một nửa là sách chủ biên và là tác giả, không kể hàng chục đầu sách khác là đồng tác giả.

Sách riêng:

  1. Nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, 1995;
  2. Phát triền năng lực tư duy của người cán bộ lãnh đạo hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, 2002 (bổ sung tái bản, 2003);
  3. Tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn, Nxb.TP.Hồ Chí Minh, 2003;
  4. Sức mạnh tư duy Hồ Chí Minh, Nxb.Trẻ, 2003;
  5. Chủ nghĩa duy vật nhân văn với định hướng nhân văn của sự phát triển (Nxb.Văn hóa Thông tin, 2005);
  6. Phương pháp luận duy vật nhân văn, nhận biết và vận dụng (Nxb.Văn hóa – Thông tin, 2005);
  7. Khoa học con người và phát triển nguồn nhân lực (Nxb.TP.Hồ Chí Minh, 2003);
  8. Động lực và tạo động lực phát triển xã hội (Nxb.Chính trị quốc gia, 2004);
  9. Thế giới ngày nay và phương thức phát triển tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2004);
  10. Đổi mới và phát triển hệ thống chính trị, Nxb. Tổng hợp tp.HCM, 2005;
  11. Bản sắc văn hóa dân tộc (Nxb.Văn hóa & Thông tin, 2003);
  12. Văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc (tái bản có bổ sung, Nxb.Văn hóa & Thông tin, 2011;
  13. Văn hóa Nam Bộ, vấn đề và phát triển (Nxb.Văn hóa- Thông tin, 2003);
  14. Dân chủ và phát huy nội lực hiện nay (Nxb. Phương Đông, 2007);
  15. Tư tưởng Hồ Chí Minh và triết học phát triển (Nxb Tổng hợp TP.HCM 2007);
  16. Văn hóa đương đại ở Nam Bộ (Nxb. Văn hóa thông tin, 2012);
  17. Chủ nghĩa Mác- Lênin phương pháp luận của sự phê phán và phát triển hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, 2012;
  18. Để quản lý đô thị phát triển ở TPHCM, 2015);
  19. Phát triển và quản lý phát triển xã hội, một số vấn đề cấp bách (2011);
  20. Đổi mới nghiên cứu và giáo dục khoa học xã hội- nhân văn, Nxb. Chính trị quốc gia, 1995;
  21. Phân tầng xã hội, phân hóa giàu – nghèo và mâu thuẫn xung đột lợi ích (2015);
  22. Bàn về mâu thuẫn xung đột lợi ích (Nxb. Chính trị quốc gia, 2011);
  23. Văn hóa xã hội thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Nxb Văn hóa – Thông tin, 2012);
  24. Văn hóa và phát triển bền vững, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2011;
  25. Phát triển nguồn nhân lực trong quan hệ với tái cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững…, NXB Tổng hợp TPHCM, 2017

Sách chủ biên, đồng chủ biên – tác giả:

  1. Tâm lý học dân vận (chủ biên), Nxb.Trẻ, 2003
  2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị ở TP HCM (đồng chủ biên), Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2004)
  3. Tâm lý học hình thành, phát triển nhân cách giới trẻ từ thực tế TPHCM, Nxb. Trẻ, 2005
  4. Tâm lý học giáo dục nhân cách người cai nghiện ma túy từ thực tế TP. Hồ Chí Minh (đồng chủ biên) Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2004)
  5. Tâm lý học quản lý đô thị, Nxb. Tổng hợp tp.HCM, 2005
  6. Xây dựng bản lĩnh thanh niên hiện nay, Nxb.Thanh Niên, 2006
  7. Tài năng trẻ, phát triển và sử dụng Nxb.Thanh Niên, 2006
  8. Quản lý, dạy nghề và giáo dục phục hồi nhân cách người cai nghiện ma túy, vấn đề và kinh nghiệm ở TPHCM (đồng chủ biên), Nxb Lao động xã hội và Diễn đàn phát triển Việt Nam, 2008
  9. Phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, Nxb Phương Đông, 2007
  10. Phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế ở TPHCM, định hướng và giải pháp, Nxb Thanh Niên, 2007
  11. Chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia, (viết chung với Trần Nhu), Nxb.Tổng hợp tp.HCM, 2004
  12. Tình yêu hôn nhân và gia đình (viết chung với 2 tác giả khác), Nxb, Trẻ, 2000.
  13. Phát triển văn hóa trên một số lĩnh vực ở TPHCM, (2011)
  14. Phát triển văn hóa đồng bộ, tương xứng với phát triển kinh tế …, (Nxb. Chính trị quốc gia, 2011)
  15. Toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển bền vững dưới góc nhìn triết học đương đại (Nxb Chính trị quốc gia, 2011)
  16. Mâu thuẫn xung đột lợi ích nhóm giai tầng xã hội và tiến bộ, công bằng xã hội, (2007, 2011)
  17. Mâu thuẫn xung đột lợi ích nhóm – thực trạng, xu hướng, giải pháp (Nxb. Chính trị quốc gia, 2011)
  18. Lực cản và động lực cải cách hành chính, từ thực tế TPHCM (Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, 2008)
  19. Vấn đề phản biện và giám sát xã hội (2009)
  20. Phản biện xã hội và phát huy dân chủ pháp quyền, Nxb. Chính trị quốc gia, 2009, tái bản, 2010)
  21. Từ triết học hướng nội đến chủ nghĩa duy vật (biện chứng) nhân văn, viết chung với TS.Trần Nhu (Nxb Tổng hợp TPHCM, 2006)
  22. Bộ tài liệu 7 tập về giáo dục phục hồi nhân cách cho người cai nghiện ma túy tại TPHCM (được Bộ LĐTB-XH sử dụng toàn quốc từ năm 2006) (nhiều tác giả, do TS.Hồ Bá Thâm là Trưởng ban biên soạn/ biên tập)
  23. Hướng dẫn luận văn Thạc sỹ: Đổi mới công tác tuyên truyền miệng của đảng bộ quận Bình Tân – thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay (Thư viện số /Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2013)
  24. Truyền thống họ Hồ thành phố Hồ Chí Minh (chủ biên), Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2005
  25. Thanh niên Xung phong Quỳnh Lưu làm theo lời Bác, Nxb. Thanh Niên, 2015;
  26. Họ Hồ Quỳnh Bảng, Nhà xuất bản Nghệ An, 2016 (đồng chủ biên)
  27. Dấu ấn một thời trên tuyến lửa Trường Sơn (đồng chủ biên, xuất bản năm 2018);
  28. Ban xây dựng 67- Cienco5 và những dấu ấn tỏa sáng…(sẽ xuất bản)

  (Không kể một số bản thảo sách, chuyên luận đang chuẩn bị xuất bản)

Kim Nguyên

Theo sách Tấm gương người làm khoa học, tập XVI, Nxb. Hồng Đức, 2017

 


[i]  Tạp chí Cộng sản, Triét học, Nghiên cứu lý luận, Khoa học xã hội Việt Nam, Sinh hoạt lý luận, Giáo dục lý luận, Khoa giáo, Tuyên giáo, Thông tin lý luận, Nghiên cứu con người, Nghiên cứu Tôn giáo, Thông tin khoa học xã hội….