Từ Ban Liên lạc Cựu cán bộ đoàn và thanh niên xung phong ngành Giao thông vận tải đến Ban Liên lạc Cựu thanh niên xung phong Trung ương

Đăng lúc: 30-01-2018 9:08 Sáng - Đã xem: 106 lượt xem In bài viết

Bối cảnh ra đời Ban liên lạc

Sau hơn 20 năm kết thúc chiến tranh, lực lượng TNXP hoàn thành nhiệm vụ, số đông trở về địa phương, để lại nhiều tồn đọng về khen thưởng và chế độ chính sách chưa được giải quyết. Đầu năm 1990, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương tổng kết khen thưởng và giải quyết mọi tồn đọng về khen thưởng và chế độ, chính sách về liệt sĩ, thương bệnh binh và nhiễm chất độc hóa học v.v… Trong lúc các cấp, các ngành sôi nổi khẩn trương thực hiện còn với TNXP không thấy cơ quan, tổ chức nào đứng ra lo cho anh chị em.

Được sự ủng hộ, đồng tình của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ngày 20/3/1993 một cuộc họp có trên 200 cựu cán bộ, đội viên tập trung tại cơ quan Bộ GTVT quyết định thành lập Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn và TNXP ngành GTVT, cử ra 13 thành viên gồm những cán bộ có tâm huyết và trách nhiệm với đồng đội, do đồng chí Nguyễn Văn Đệ làm Trưởng ban và nữ đồng chí Tô Thị Khánh Thọ làm Phó Trưởng ban Thường trực.

 Đáp ứng mong mỏi và chờ đợi từ lâu, chỉ hơn một tháng, như băng pháo nổ liên hoàn, cựu cán bộ và cựu đội viên TNXP nhanh chóng đứng ra thành lập Ban Liên lạc của 12 địa phương và 7 đơn vị trực thuộc Bộ GTVT.

Hoạt động cần có kinh phí, mỗi địa phương có cách giải quyết khác nhau, chủ yếu dựa vào tấm lòng từ thiện vì nghĩa tình đồng đội. Ban Liên lạc Tổng cục Đường sắt đề nghị Đảng ủy Công đoàn và Đoàn TNCS HCM phát động phong trào lập quỹ từ thiện vận động mỗi Đảng viên, công nhân cán bộ ủng hộ một ngày lương được gần 300 triệu đồng. Ban Liên lạc tỉnh Nghệ An được địa phương ủng hộ, mở một đợt xổ sổ kiến thiết và lập quỹ từ thiện ủng hộ TNXP thu được trên 200 triệu đồng…

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Ban Liên lạc là thu thập tư liệu số hiệu về tồn đọng của TNXP sau chiến tranh để báo cáo lên TW Đảng và Chính phủ giải quyết. Việc đầu tiên là đi khảo sát thực tế 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức một cuộc hội thảo lớn gồm đại biểu TNXP các thời kỳ để thu thập thêm tình hình tồn đọng sau chiến tranh, vừa hiểu rõ thêm tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc và những đề nghị chính đáng của cựu TNXP chống Pháp, chống Mỹ. Cuộc hội thảo thứ 2, gồm đại diện các cơ quan liên quan và cựu cán bộ TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung để thu thập thêm thông tin đầy đủ, chính xác. Kết quả khảo sát, sưu tầm và hội thảo cho thấy tồn đọng về chính sách chế độ đối với cựu cả nước là TNXP là rất lớn.

Ngày 2/11/1994, với trách nhiệm Trưởng Ban liên lạc, tôi viết báo cáo về tình hình thực trạng tồn đọng lớn của cựu TNXP và đưa ra một số đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét giải quyết. Ngày 25/12/1994 viết tiếp báo cáo ngắn gọn, cụ thể hơn gửi Văn phòng Chính phủ. Vì là tổ chức mới, nên cả 2 báo cáo tôi lấy chức danh nguyên Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban chỉ đạo TNXP chống Mỹ cứu nước Trung ương ký tên.

Ngày 20/2/1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Thông báo số 101/TB-BBT về việc đồng ý giao cho Trung ương Đoàn tổ chức gặp mặt cựu TNXP nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là cuộc gặp đầu tiên của cựu TNXP kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, được diễn ra ngày 20-4-1995 tại Nhà hát lớn, Hà Nội. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thay mặt Đảng, Nhà nước phát biểu khẳng định thành tích và công lao to lớn của Lực lượng TNXP, đồng thời trao và bức trướng của BCH Trung ương Đảng cho Lực lượng TNXP mang dòng chữ “ Thanh niên xung phong – Chiến đấu dũng cảm – Lao động sáng tạo – Lập công suất sắc”; Đồng chí Hồ Đức Việt, Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tặng “Kỷ niệm chương TNXP”đợt đầu tiên cho đại biểu cựu TNXP về dự cuộc gặp mặt lịch sử này.

Hai tháng sau sự kiện trên, ngày 30/6/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 382/TTg lấy ngày 15 tháng 7 hàng năm làm “Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong”. Tiếp sau đó, ngày 23/7/1996, Trung ương Đoàn ra Thông báo thành lập Ban liên lạc Cựu TNXP Trung ương, do đồng chí Nguyễn Văn Đệ làm Trưởng Ban; các đồng chí Lê Văn Sang,Nguyễn Anh Liên làm Phó ban; các đồng chí Tạ Quang Chiến, Lê Thị Sửu, Nguyễn Quang Ngọc, Trần Dân, Nguyễn Hữu Chất, Huỳnh Xuân Lũy làm ủy viên.

Phiên họp lịch sử

Tuy nhiên những vấn đề cơ bản như việc xét tặng danh hiệu anh hùng cho lực lượng TNXP, ban hành chính sách, chế độ đối với TNXP, kinh phí làm Kỷ niệm chương TNXP, việc thành lập Ban liên lạc TNXP các địa phương…vẫn chưa được giải quyết. Trước tình hính đó, Ban Liên lạc cử đồng chí Nguyễn Anh Liên, Phó Trưởng ban liên lạc gặp Thủ tướng đăng ký cho Ban liên lạc được trực tiếp báo cáo.

Từ trái qua phải là các đồng chí: Phan Văn Khải; Lê Văn Sang, Nguyễn Anh Liên; Võ Văn Kiệt;
Nguyễn Văn Đệ; Trần Đình Hoan; Vũ Trọng Kim; Nguyễn Việt Phát
sau phiên họp ngày 10/6/1997.

Đúng 6 giờ sáng ngày 10/6/1997, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Võ văn Kiệt đã tiếp và làm việc với Ban liên lạc cựu TNXP Trung ương gồm Trưởng ban Liên lạc Nguyễn Văn Đệ, các Phó Trưởng ban Nguyễn Anh Liên, Lê Văn Sang. Cùng dự làm việc với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh Xã hội Trần Đình Hoan, Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Vũ Trọng Kim, Trưởng ban TNXP Trung ương Đoàn Nguyễn Việt Phát. Sau khi báo cáo tóm tắt tình hình tồn đọng về khen thưởng và chính sách chế độ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc hóa học…Ban liên lạc đưa ra 5 đề nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết:

  1. Phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho cho lực lượng TNXP và khen thưởng TNXP một sổ tỉnh, thành có thành tích thực sự xuất sắc.
  2. Đề nghị Nhà nước thẩm định đánh giá, công nhận địa danh, di tích lịch sử của TNXP.
  3. Đề nghị ban hành chế độ, chính sách đối với TNXP đã tham gia kháng chiến.
  4. Đề nghị Chính phủ cấp cho TW Đoàn 1,2 tỷ đồng làm tặng cho 20 vạn cựu TNXP cả nước.
  5. Đề nghị Thủ tướng có văn bản giao trách nhiệm cho Ban Liên lạc có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành TW và địa phương thực hiện chủ trương giải quyết tồn đọng về chính sách chế độ đối với cựu TNXP…

Trong phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng hoan nghênh và đồng ý cả 5 vấn đề Ban liên lạc đề nghị. 4 ngày sau, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 64/TB ngày 14/6/1997 về kết luận ý kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại buổi làm việc với Ban Liên lạc Cựu TNXP Trung ương.

Sau phiên họp đặc biệt này, ngày 11/11/1997, Chủ tịch nước Trần Đức lương đã ký Quyết định số 382 phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho lực lượng TNXP Việt Nam. Ngày 14/4/1999, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định số 104/1999/TTg về một số chính sách, chế độ đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; Bộ Tài chính đã cấp kinh phí cho Trung ương Đoàn làm Kỷ niệm chương TNXP…

    Tổ chức 4 cuộc hành hương lịch sử

     Ngày 18/4/1996 Đoàn đại biểu cựu TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung gồm 25 đại biểu, có 3 anh hùng trở lại thăm chiến trường xưa, thăm các nghĩa trang và mộ liệt sĩ TNXP và các địa danh chiến đấu vô cùng ác liệt chưa được công nhận là di tích lịch sử, nơi tập thể TNXP đã hy sinh oanh liệt đã và chưa được truy tặng danh hiệu Anh hùng.

             Ngày 2/7/1998 Đoàn đại biểu các thế hệ TNXP Việt Nam gồm 282 đại diện của 64 tỉnh thành cả nước và 24 Bộ ngành Trung ương về tập trung tại thành phố Hà Nội, vào lăng viếng Bác, và đến chào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ Quốc hội và một số cơ quan Bộ, Ngành Trung ương. Sau đó đoàn lên tỉnh Thái Nguyên thăm thủ đô kháng chiến; thăm địa danh lịch sử ở thôn Nà Tu, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn, nơi Bác Hồ đã đến thăm, nói chuyện với Liên phân đội TNXP 312 và Bác tặng 4 câu thơ bất hủ: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.

Nhân ngày kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, ngày 20/4/2000 Đoàn đại biểu gồm 42 cựu TNXP Việt Nam đi thăm 7 tỉnh thành miền Bắc lần lượt đi thăm các thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu; các tỉnh: Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre. Đặc biệt đại biểu được đến thăm địa đạo Củ Chi và Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam.

Ngày 2/5/2002 Đoàn đại biểu có 30 cựu TNXP đã tham gia xây dựng đường 1C[1]. Sau khi thăm quê Bác, đoàn đã đến Quảng Nam gặp gỡ và giao lưu với TNXP đảm nhận “Cung đường TNXP” (thuộc dự án Đường Hồ Chí Minh giai đoạn I) tại huyện Hiên. Hai thế hệ TNXP (kháng chiến và hòa bình) gặp nhau trên một cung đường rất cảm động, vui vẻ, để lại ấn tượng tốt đẹp.

4 cuộc hành hương trên đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng mỗi cựu TNXP về nghĩa tình đồng đội, về đất nước Việt Nam tươi đẹp. Đây là quà tặng có một không hai của đất nước, tặng cho cựu TNXP.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết (giữa) tiếp đại biểu cựu TNXP các tỉnh phía bắc năm 2000

Biên tập sách, phim ngắn tư liệu lịch sử về TNXP

Kể từ năm 1995 – 2016 tôi biên tập được 9 đầu sách tư liệu lịch sử về TNXP phục vụ GTVT thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt cuốn sách TNXP phục vụ GTVT thời chống Mỹ, do Nhà nước đặt hàng tài trợ, có nội dung tổng kết 10 năm kháng chiến đánh Mỹ của 15 vạn TNXP phục vụ GTVT góp phần to lớn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…

Ngoài ra Ban Liên lạc còn phối hợp với Xưởng phim Thời sự tài liệu quân đội làm 2 tập phim tài liệu lịch sử cho Trung ương Đoàn và Bộ GTVT, đã được Đài truyền hình VTVT phát trên trong dịp kỷ niệm thành lập TNXP, mỗi tập 35 phút; và 1 tập cho tỉnh Thanh Hóa,

Hai hoạt động nói trên có tác động rất lớn trong đòi sống văn hóa, tinh thần, và lịch sử của cựu TNXP. Vì trong 4 cuộc đi thăm và làm sách, phim ảnh đã chứa đựng hàng trăm di tích cách mạng, di tích văn hóa lịch sử của đất nước, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và nghĩa tình đồng đội của Ban Liên lạc chúng tôi. Các cuốn sách trên đã phần nào giúp các ngành, địa phương, các Ban liên lạc, các phóng viên báo chí, các nhà xuất bản… có thêm tư liệu, tài liệu quý cho công tác biên soạn lịch sử TNXP, tuyên truyền, giải quyết chế độ, chính sách, thi đua khen thưởng đối với cựu TNXP.

Để có được những kết qua trên, trước hết đòi hỏi mỗi thành viên của Ban liên lạc phải có lương tâm và trách nhiệm, hết lòng vì đồng đội, biết tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành, địa phương, từ đó sẽ tạo ra những nguồn lực to lớn cho công việc chung và được đồng đội tin yêu, kính trọng.

Bây giờ tôi đã ngoài tuổi 90, sức khỏe giảm dần, nhưng ngọn lửa nhiệt tình của TNXP hầu như không bao giờ nguội tắt trong tôi. Tôi mong rằng, các thế thanh niên kế tiếp, hãy giữ vững niềm tin, lòng tự hào về các thế hệ cha anh, để tiếp tục xung phong, lên rừng, xuống biển, ra đảo xa lập nghiệp và giữ nước, để không hổ danh với một dân tộc anh hùng, tuổi trẻ Việt Nam anh hùng./.

Nguyễn Văn Đệ

                          Nguyên Bí thư TƯ Đoàn, Trưởng Ban Chỉ đạo TNXP TƯ, Nguyên Trưởng Ban liên lạc cựu TNXP Trung ương

Theo Thanh niên xung phong Việt Nam anh hùng (tập 3), Nhà Xuất bản Thanh niên, tháng 12/2017

 

[1] Xuất phát từ Quan Hóa (Thanh Hóa), qua Nghệ An, Hà Tĩnh đi qua đường 20 Quảng Bình.