Hỏi:
Một số Hội ở địa phương hỏi: Đến nay ở địa phương đang vướng mắc về lập hồ sơ cho nhóm đối tượng không có giấy tờ để hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, vậy nhóm đối tượng không có giấy tờ thủ tục hồ sơ lập như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ mục 3 văn bản số 1865/CS-NC ngày 19/7/2016 của Cục Chính sách Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn hồ sơ xét hưởng chế độ theo quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, thủ tục hồ sơ của đối tượng không có giấy tờ đã được hướng dẫn như sau:
“Đối với các trường hợp hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp mộ lần không có giấy tờ, do cấp ủy, chính quyền và Hội đồng chính sách xã (phường, thị trấn) xem xét, xác định về đối tượng, thời gian tính hưởng chế độ; trên cơ sở thực hiện dân chủ, công khai, mở rộng thành phần dự họp… không quy định thêm hồ sơ, thủ tục khác….. Như vậy, nhóm đối tượng không có giấy tờ (kể cả Thanh niên xung phong) nếu trong tờ khai cá nhân chứng minh đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định thì đều được xem xét, giải quyết….”. Theo nội dung hướng dẫn này, trình tự thủ tục lập xét duyệt hồ sơ của đối tượng không có giấy tờ gồm:
- Đối với đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần): Lập và gửi Bản khai theo mẫu 1B hoặc 1C (bản chính) cho Trưởng thôn, xóm, ấp, tổ dân phố nơi đăng ký hộ khẩu thường trú theo quy định tại khoản 1, Điều 7, Thông tư số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC.
- Trưởng thôn, ấp, tổ dân phố tiếp nhận hồ sơ của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Sau đây gọi chung là cấp xã) qua Hội đồng chính sách cấp xã theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 7, Thông tư số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC.
- UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện trình tự, thủ tục xét lập hồ sơ theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Thông tư số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, hồ sơ gồm:
– Biên bản kết quả niêm yết danh sách công khai đối tượng hưởng chính sách;
– Biên bản họp Hội đồng chính sách cấp xã (thành phần có sự tham gia chứng thực chữ ký của nhân chứng trực tiếp tham gia, tổ chức huy động, quản lý đối tượng);
– Văn bản Báo cáo của UBND cấp xã kèm theo hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền xét duyệt theo quy định. Riêng đối với TNXP gửi hồ sơ tới Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội).
Đối với trường hợp đối tượng sinh quán ở địa phương, hiện đang cư trú ở địa phương khác, có yêu cầu xác nhận hồ sơ thì sau khi Hội đồng chính sách xã xét duyệt, nếu đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và đề nghị chính quyền địa phương nơi đối tượng đang cư trú xem xét, đề nghị hưởng chế độ theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 7, Thông tư số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC.
- Các bước tiếp theo, thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 7, Thông tư số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 19/7/2016 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính./.
BAN CHÍNH SÁCH